Sinh năm 1989, Đinh Nhật Nam đã nắm trong tay chuỗi cửa hàng café thương hiệu Urban Station lên tới 41 quán. Với doanh thu mỗi tháng hơn 10 tỷ đồng, và thương hiệu Urban Station được định giá lên tới 2 triệu đô, Nam trở thành một người khởi nghiệp thành công khi tuổi còn rất trẻ. Hiện tại anh đã mở thêm 5 nhà hàng Papa Xốt và còn rất nhiều dự định tương lai.
Khi còn nhỏ, Đinh Nhật Nam chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì, gia đình khá giả, chỉ việc ăn, học, và chơi. Thế rồi gia đình gặp biến cố, mọi thứ gần như mất hết. Nam quyết định ngưng kế hoạch du học ở New Zealand lại, bắt đầu gánh vác chuyện gia đình. Anh lao vào kiếm tiền: phục vụ quán café, đi bán điện thoại, tổ chức sự kiện,.. cho đến khi gom được 50 triệu, anh quyết định rủ bạn bè hùn vốn, mở chung quán café. Urban Station đầu tiên ra đời.
Thua ngay từ chiến lược, cho dù Nam đã chuyển hướng từ café nhạc thành café take away khi chúng đang là trào lưu. Thế nhưng, khách vẫn thưa thớt. Mỗi tháng quán lỗ mấy chục triệu. Thất vọng, chán nản nhưng anh vẫn nghiên cứu tìm lý do thất bại. Đó là do nội thất bàn ghế, không gian đều làm theo hướng take away, nghĩa là mua café đi ngay và không ngồi lại. Điều đó quả là sai lầm trong bối cảnh người Việt Nam có thể mua một ly nước mía về nhà uống chứ ít ai đi mua café về uống. Họ đi café, có nghĩa là tới quán và ngồi đó nhâm nhi thư giãn. Ghế ngồi của quán khá cao, không thích hợp với việc ngồi lâu, chính vì thế họ không những không lui tới Urban Station mà họ cũng chẳng mua theo kiểu take away luôn!
Lỗ trong nửa năm anh chuyển hướng thay đổi chiến lược, cải tiến về mô hình cũng như phong cách design. Màu xanh lợt chuyển thành xanh đậm để tạo cảm giác trầm hơn, cửa đỡ màu đỏ giống như các bốt điện thoại ở Anh, quầy được đem vào trong, không gian được phủ toàn bộ máy lạnh chứ không như lúc trước chỉ làm máy lạnh một phần. Ngay lập tức, có những tín hiệu tốt làm cho ai cũng phấn chấn. Chính bước ngoặt thay đổi phong cách của quán khiến quán phải đương đầu với các sự cạnh tranh và làm sao thoát được bóng của các thương hiệu café nổi tiếng khác như Passio hay Effoc,.. Chất lượng của đồ uống, chỗ ngồi có view đẹp, phục vụ chu đáo, quán quan trọng, giá cả rất phải chăng chứ không đắt như các quán khác, những điều đó khiến cho Urban Station được giới trẻ đón nhận.
Urban Station là trạm thành thị, nghe giống như trạm tàu điện ngầm mà trạm thì nhỏ nhỏ, nhanh và rải rác ở nhiều nơi nên trong 1 năm có tới 20 quán. 2012 là một sự bùng nổ. Nam cho biết: “Có thời điểm, tôi ngồi ngẫm mà thấy sợ. Giống như mình đang cưỡi trên lưng một con quái vật, không tự tin mình có thể điều khiển được nó. Nhiều khi không sợ đối thủ bằng tự mình đe dọa mình.” Vấn đề mở rộng đó đúng là con dao hai lưỡi. Luôn đổi mới, update thực đơn, phải luôn gần gũi với khách hàng và quan trọng chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 1/3, lúc đó chắc chắn sẽ thu hút đông lượng khách hàng ngày hơn là đắt và ít khách.
Anh chia sẻ thêm: “Tôi là người tận dụng tối đa sự may mắn. Tuy nhiên, tôi luôn quan niệm trong cuộc sống, cơ hội không nhiều nên nếu có, hãy biết tận dụng cơ hội đó. Mà cơ hội là ở đâu là do chính mình tạo ra. Ok, có thể tôi là người may mắn khi có team tốt, có bạn bè giỏi, nhưng nếu không khôn ngoan, không có chiến lược đúng, không nỗ lực, thì đâu có Urban Station ngày hôm nay.”
Đăng bởi Hữu Hưng Blog Copy vui lòng ghi nguồn!